Tác phẩm giải cao bị thu hồi
Hôm 29/8, Hội Nhiếp ảnh TPHCM tổ chức triển lãm, trao giải Liên hoan Ảnh Nghệ thuật Truyền thống TPHCM lần thứ 49 năm 2024. Tác phẩm Chiều công trường của tác giả Lâm Điều Trung đoạt Huy chương Đồng nhóm chủ đề ảnh tự do.
Ảnh dùng kỹ xảo ghép hình đám mây bị tước giải. Ảnh: Lâm Điều Trung
Sau khi công bố giải, giới nhiếp ảnh xôn xao với thông tin những dữ liệu được chắp ghép trong ảnh không phải do chính tác giả chụp. Đám mây trong ảnh được ghép từ kho hình ảnh mây của phần mềm Adobe. Ảnh tác giả chụp xuôi sáng trong khi đám mây lại ngược sáng. Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM Đoàn Hoài Trung đã xác nhận, tác phẩm Chiều công trường phạm quy vì “đã lấy mây trên mạng thay vào mây bầu trời trong ảnh”. Hội Nhiếp ảnh TPHCM ra quyết định hủy và thu hồi Huy chương đồng đối với tác phẩm.
Vẫn tại Liên hoan Ảnh Nghệ thuật Truyền thống TP.HCM lần thứ 49, tác phẩm được trao Huy chương Vàng là Ánh sáng tương lai của tác giả Nguyễn Kim Hoàn (Ninh Thuận) thu hút sự chú ý của dư luận, bởi tác phẩm này vừa bị thu hồi giải thưởng ở một cuộc thi khác.
Ngày 23/8, tác phẩm Ánh sáng tương lai cũng đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền Đông Nam bộ. Nhưng chỉ vài ngày sau, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam ra quyết định hủy và thu hồi giải thưởng. Ban Chấp hành Hội NSNA Việt Nam đã giao Ban kiểm tra xác minh tác phẩm Ánh sáng tương lai và được tác giả xác nhận là chụp ở địa điểm ngoài khu vực Đông Nam bộ, như vậy là vi phạm thể lệ của liên hoan này.
Ban tổ chức cuộc thi ảnh Việt Nam điểm hẹn thế giới 2024 thông báo rút những giải thưởng phạm quy.
Tháng 6/2024, ban tổ chức cuộc thi ảnh Việt Nam điểm hẹn thế giới 2024 thông báo trên website cuộc thi về việc rút tác phẩm đoạt giải do phạm quy. Tác phẩm Mâm xôi mùa cấy đoạt giải Nhất, cũng bị rút khỏi hệ thống giải thưởng.
Không chỉ có chuyện trao rồi lại rút giải, nhiều cuộc thi nhiếp ảnh cũng bị đem ra mổ xẻ với chất lượng tác phẩm giành giải không thuyết phục số đông. Trong số các tác phẩm đoạt giải Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ 2024, bức ảnh Tân binh lên đường nhập ngũ bị nhận xét không xứng đáng đoạt Huy chương Bạc.
Bức ảnh Tân binh lên đường nhập ngũ của tác giả Từ Thành chụp một thanh niên mặc áo lính cười tươi, đứng gần hai phụ nữ trung tuổi. Một người phụ nữ như vừa lau nước mắt, một người ôm ghì cổ tân binh khóc. Tác phẩm không có chú thích địa điểm, thời gian hay tên tuổi nhân vật tân binh. Một tay máy bình luận ảnh không có tính nghệ thuật. Chưa kể, trong ảnh lại lù lù xuất hiện một ống kính to oạch khác.
NSNA Hoài Linh (thành viên Hội đồng giám khảo Liên hoan ảnh Bắc Trung bộ) phải lên tiếng giữa những tranh cãi. Ông giải thích, sau nhiều vòng loại chấm căng thẳng, ban giám khảo lọc ra được 11 tác phẩm ảnh nghệ thuật vào vòng xét giải thưởng. “Bức ảnh Tân binh lên đường nhập ngũ tạo ấn tượng nổi bật. Nội dung tác phẩm truyền đi thông điệp tích cực, bức ảnh chân thật làm lan tỏa ý nghĩa cuộc sống, thể hiện cảm xúc phấn khởi, tự hào, yêu nước của thanh niên Việt Nam trong ngày nhập ngũ”, thành viên ban giám khảo nói.
Tác giả Nguyễn Kim Hoàn (giữa) nhận Huy chương vàng vào chiều 29/8, sau đó vài ngày bị thu hồi giải.
Nghệ sĩ Hoài Linh đề cập ranh giới mờ giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật. Ông đặt câu hỏi: Nhìn lại những ảnh nghệ thuật mà Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam từng đề cử gửi tham dự và được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước trong thời gian gần đây, ngoài giá trị của nghệ thuật, sự chân thật, cảm xúc còn có giá trị nhân văn, hơi thở của thời đại và cũng đầy tính báo chí…Vậy tại sao bức ảnh Huy chương Bạc Tân binh lên đường nhập ngũ rõ ràng có gây cảm xúc cho người xem thì lại bị đánh giá chưa phải là “ảnh nghệ thuật”?
Đến lúc thanh lọc một số cuộc thi
Nhìn từ thực trạng những cuộc thi nhiếp ảnh hiện nay, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng, người sáng lập không gian trưng bày Ký ức nhiếp ảnh cho rằng, hầu hết các cuộc thi nhiếp ảnh ở Việt Nam đều chưa đạt chuẩn về tính chuyên nghiệp.
“Khâu tổ chức, ban hành quy chế, nội dung thể lệ cuộc thi cho đến việc lựa chọn hội đồng giám khảo, cuối cùng là khâu chấm giải rất có vấn đề. Nhiếp ảnh Việt Nam đang lúng túng trong việc phân định loại hình nhiếp ảnh, loay hoay làm thế nào phát triển nhiếp ảnh đương đại mà không làm mất đi nhiếp ảnh truyền thống”, ông Thắng nhận định.
Hội NSNA Việt Nam nói gì?
Bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam khẳng định, hội đã ban hành quy chế hoạt động. Hội viên vi phạm sẽ bị xử lý dựa trên căn cứ được nêu trong quy chế. Về chuyện mổ xẻ những bức ảnh đạt giải, bà Thu Đông cho rằng, cảm nhận và đánh giá về nghệ thuật của mỗi người khác nhau. “Việc nhiều người không tham gia lĩnh vực nhiếp ảnh nhưng lại tranh cãi về ảnh trên mạng xã hội là rất phiến diện, họ có những phát ngôn chưa đúng do không hiểu về các quy định của Hội NSNA Việt Nam”, bà Trần Thị Thu Đông chia sẻ.
Nghệ sĩ Phạm Công Thắng cho rằng, khi xảy ra những tranh cãi về tác phẩm đoạt giải, ban tổ chức, giám khảo và Hội NSNA Việt Nam phải bình tĩnh đưa ra giải pháp trấn an dư luận bằng những bài viết chuyên môn mang tính phản biện trúng, đúng, công tâm.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Cao Bảo Long (hội viên Hội NSNA Việt Nam) nhận định, lùm xùm trong những cuộc thi xuất phát từ khâu tổ chức yếu kém, thiếu tính chuyên nghiệp của đơn vị tổ chức. Ông cũng ngầm khẳng định một số cuộc thi xảy ra tình trạng tiêu cực trong khâu chấm giải.
“Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh, nhiều giám khảo không thể nhận ra hết những phần được ghép vào bức ảnh. Vì vậy, đơn vị tổ chức cần có sự kiểm nghiệm kỹ càng về công nghệ. Với những cuộc thi ảnh nghệ thuật, tiêu chí chấm thi phải đặt tính nghệ thuật lên đầu”, NSNA Bảo Long nêu.
Về ranh giới giữa ảnh nghệ thuật, ảnh báo chí, NSNA Lê Việt Khánh, gảng viên bộ môn Nhiếp ảnh tại Trường Đại học Kiến trúc (Hà Nội) nêu quan điểm, cần có sự đánh giá, nhìn nhận lại hoặc cân bằng tiêu chí chấm giải để những nhiếp ảnh gia thuần túy về cái đẹp thị giác nhưng thiếu nội dung văn học (các mảng phong cảnh, tĩnh vật, văn hóa,…) không bị nản lòng khi nghĩ đến các cuộc thi.
Mỗi tấm ảnh kém chất lượng đoạt giải hay một lần có thông tin thu hồi giải thưởng đều khiến những người tham gia liên hoan ảnh thấy hoang mang. NSNA Phạm Công Thắng đề xuất, sau mỗi cuộc triển lãm, hội thi, ban tổ chức và Hội NSNA Việt Nam cần đứng ra tổ chức các cuộc tọa đàm, mời các thành viên hội đồng lý luận và những nghệ sĩ nhiếp ảnh có uy tín tham gia bàn thảo rút kinh nghiệm. Đó là biểu hiện cho thấy sự công tâm và cầu thị, tránh đi những hệ lụy đáng tiếc, cãi vã không cần thiết làm xấu mặt nhiếp ảnh sau mỗi lần thi thố.