Liên quan đến công tác ứng phó siêu bão Yagi (bão số 3) tại Hà Nội, ngay trong đêm 6/9, tất cả người dân sinh sống tại chung cư A7 Tân Mai, đã được chính quyền di dời khỏi tòa nhà. (Ảnh: LLVT quận Hoàng Mai)
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Gắng (74 tuổi, cư dân chung cư A7 Tân Mai) cho biết: Khoảng 21h, 160 người dân sống tại tòa nhà đã được di dời đến trường Tiểu học Tân Mai, cách chung cư 300m để đảm bảo an toàn trước khi siêu bão đổ bộ.
Cũng theo ông Gắng, do việc di dời khẩn cấp nên cư dân chỉ mang theo vật dụng thiết yếu. Trước mắt, toàn bộ cư dân được bố trí lánh nạn, tại trường Tiểu học Tân Mai từ đến 6/9 đến khi bão tan. (Ảnh: LLVT quận Hoàng Mai)
Đồng thời, UBND phường Tân Mai đã chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết yếu như mì tôm, nước uống, chăn chiếu cho người dân. Bên cạnh đó, phường cũng thành lập các tổ công tác gồm các ban ngành đoàn thể để hỗ cư dân di dời.
Theo tìm hiểu, chung cư A7 Tân Mai được xây dựng từ năm 1984, theo công nghệ lắp ghép với quy mô 5 tầng gồm 50 căn hộ nhưng chỉ có duy nhất một cầu thang.
Qua nhiều năm sử dụng, tòa nhà dần xuất hiện nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là vết nứt lớn khiến toàn bộ cầu thang bộ từ tầng 1 đến tầng 5 và chiếu nghỉ tách hoàn toàn khỏi khối nhà.
Ngay sau đó, tòa nhà đã được lắp giàn giáo bằng thép để gia cố tạm thời.
Tháng 10/2010, Sở Xây dựng Hà Nội ra văn bản xếp chung cư A7 Tân Mai vào loại nguy hiểm cấp C, cần ưu tiên cải tạo. Mặc dù vậy, sau 14 năm, dự án cải tạo tòa nhà vẫn không có tiến triển, khiến cư dân luôn sống trong lo sợ về việc sập nhà.
Đặc biệt, ngoài việc nứt và sụt lún thì toàn bộ hệ thống thoát nước của tòa nhà đã hư hỏng nặng. Do đó, mỗi khi mùa mưa bão đến, nước tràn cả xuống nhà theo các khe nứt ở trần.
Thậm chí, vào đợt mưa bão đầu và giữa năm 2016, một số mái che của tòa nhà bị hất tung.
Theo thống kê, hiện TP Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ với qui mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu ở ở các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm (là khu vực hạn chế phát triển theo quy hoạch chung đã được được phê duyệt) và một số khu tại Hoàng Mai, Thanh Xuân... đa số đã được chuyển đổi từ hình thức sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân theo Nghị định 61/CP.
Hầu hết các khu chung cư này đã và đang xuống cấp về chất lượng công trình cũng như quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, cần phải được cải tạo, xây dựng lại.
Tuy nhiên, mặc dù công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP được nghiên cứu, đặt ra nhiệm vụ từ hơn 30 năm qua, nhưng đến nay mới thực hiện được khoảng 1,2%.
Do đó, mỗi khi mùa mưa bão đến, cư dân sinh sống tại các tòa chung cư và tập thể xuống cấp đều luôn trong trạng thái nơm nớp lo sợ nhà sập.