Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả vốn FDI đăng ký và vốn thực hiện đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Các dự án FDI đã giải ngân được 14,15 tỷ USD, tăng 8%. Trong khi đó, giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục sụt giảm. Tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,81 tỷ USD (giảm 40,9% so với cùng kỳ).
Hơn 69% vốn FDI đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (14,17 tỷ USD). Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,36 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ.
Hơn 69% vốn FDI đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
94 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 6,79 tỷ USD, chiếm gần 33,1% tổng vốn đầu tư, tăng 75,5% so với cùng kỳ 2023.
Hồng Kông - Trung Quốc đứng thứ hai với 2,4 tỷ USD; tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,…
Các đối tác đầu tư lớn nhất trong 8 tháng đều là đối tác truyền thống của Việt Nam, đến từ châu Á. Riêng 5 quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đầu gồm Singapore, Hồng Kông - Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm tới 74% số dự án đầu tư mới và 77,1% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Các nhà đầu tư FDI rót vốn vào 54 tỉnh, thành, trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,47 tỷ USD (chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp gần 3 lần cùng kỳ). Đây cũng là địa phương duy nhất trong cả nước ghi nhận tổng vốn FDI đăng ký vượt mốc 3 tỷ USD trong 7 tháng, cao gần gấp đôi địa phương xếp thứ 2 là Quảng Ninh (1,78 tỷ USD).
Bên cạnh các đối tác truyền thống, Bắc Ninh cũng mở rộng hợp tác, xúc tiến đầu tư với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến từ nhiều quốc gia. Một số tập đoàn lớn đã và đang tiếp tục đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô đầu tư tại tỉnh, như: Goertek, Amkor, Foxconn, Suntory Pepsico, Victory Giant Technology…
10 địa phương dẫn đầu gồm: Bắc Ninh, Quảng Ninh, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Thái Nguyên. Luỹ kế đến ngày 31/8, cả nước có 41.142 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 491,3 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 311,3 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.