Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mong được trợ lực vốn

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mong được trợ lực vốn

Nhu cầu có nhưng…

Nhờ được trợ vốn từ chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM mà Công ty TNHH Cao su Đức Minh ở huyện Hóc Môn, TPHCM (doanh nghiệp chuyên thiết kế, chế tạo màng hơi dùng trong công nghiệp sản xuất lốp, lốp xe nâng, cao su kỹ thuật…) không chỉ đầu tư thêm trang thiết bị, máy móc mà còn mở rộng tệp khách hàng trong và ngoài nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty Đức Minh, doanh nghiệp được thành phố duyệt vay 8 tỷ đồng nên đã đầu tư thêm các dây chuyền, thiết bị hiện đại và tăng được 50% công suất sản xuất.

“Lãi suất ngân hàng vốn là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ khi có kế hoạch đầu tư. Do đó, khi thành phố có chương trình hỗ trợ phần lãi vay này là rất tốt để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất cũng như thay đổi thiết bị công nghệ hiện đại hơn. Với khoản vay nói trên trong vòng 7 năm, chúng tôi được chương trình hỗ trợ khoảng 2,6 tỷ đồng tiền lãi vay”, ông Quốc Anh chia sẻ.

Cũng nhờ được hỗ trợ vay vốn kích cầu từ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của TPHCM những năm trước, Công ty TNHH Cơ khí Thương mại Nhật Long (TP Thủ Đức) đã “lột xác” khi thực hiện tái cơ cấu, nâng cao năng lực, thiết bị, công nghệ và “vượt bão” thành công trong giai đoạn khó khăn nhất từ ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới.

Ông Nguyễn Ngô Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhật Long bộc bạch, từ một doanh nghiệp nhỏ, công ty của ông đã dần trở thành đối tác cung cấp phụ tùng, linh kiện công nghiệp cho các doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) và các nhà máy trong nước, giảm thiểu phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, không phải đơn vị nào cũng dễ dàng tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Có nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu như vải, dây khóa kéo, nút... trong lĩnh vực dệt may, Công ty May mặc Thanh Niên (quận Tân Bình) tìm hiểu nguồn vốn kích cầu, gói vay ưu đãi lãi suất nhưng sau một thời gian dài mãi vẫn không vay được vốn. “Chúng tôi là doanh nghiệp vừa và nhỏ, mặc dù có đơn hàng xuất khẩu nhưng chủ yếu vẫn gia công cho bên thứ ba. Bên cạnh đó, uy tín, thương hiệu vẫn chưa được nhiều người biết đến nên càng khó tiếp cận các chương trình cho vay vốn giá rẻ”, ông Lê Thanh, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Công ty Bình Hưng chuyên gia công các chi tiết cơ khí chính xác, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khi muốn phát triển đều có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi do nhiều điều kiện được đưa ra khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể đáp ứng.

“Để tiếp cận được nguồn vốn, trước hết doanh nghiệp phải phát huy nguồn lực tự có, sau đó đề ra kế hoạch phát triển bền vững theo từng giai đoạn cụ thể, đáp ứng được chất lượng đầu ra, giá thành sản phẩm và năng lực sản xuất… Đây là những tiêu chí giúp ngân hàng, tổ chức tài chính yên tâm hỗ trợ khoản vay, đồng thời cũng là điều kiện để đối tác tin tưởng, ký kết hợp tác”, ông Hưng chia sẻ.

Tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp được vay ưu đãi

Đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết, đơn vị vừa có Tờ trình số 2516 gửi UBND TPHCM về kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ năm 2024. Theo đó, Sở dự kiến tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất của thành phố đối với 5 dự án.

Để được hỗ trợ lãi suất vay, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện nghiêm ngặt được quy định tại Nghị quyết số 09 quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, doanh nghiệp phải có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của TPHCM; ngành nghề sản xuất phải thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Mức hỗ trợ lãi suất chỉ áp dụng đối với dự án có mức vay tối đa là 200 tỷ đồng, khi đó ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất tối đa 70% đối với phần đầu tư xây dựng công trình. Riêng đối với phần vốn đầu tư công nghệ và thiết bị (được tính toán phù hợp quy định) được hỗ trợ lãi suất tối đa 85%.

Mức lãi suất được hỗ trợ tối đa không vượt quá mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng (trả lãi cuối kỳ) bình quân của 4 ngân hàng thương mại gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank cộng thêm phí quản lý 2%/năm.

“TPHCM cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá các sản phẩm tại triển lãm về công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ năm 2024; đào tạo chuyển đổi số; đào tạo về hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; tập huấn nâng cao năng lực marketing cho doanh nghiệp…”, đại diện Sở Công Thương TPHCM cho hay.

Theo đại diện Sở Công Thương TPHCM, thành phố xác định công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển để giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Hiện các doanh nghiệp trong lĩnh vực này mong muốn được hỗ trợ cơ chế vay vốn như tiếp cận lãi suất ưu đãi và dùng tài sản thế chấp là máy móc thay vì nhà đất.