Theo thống kê của thành phố Hà Nội, mưa gió do bão số 3 khiến hơn 25.156 cây đổ và cành gãy trên địa bàn thành phố. Trong đó, có tới hơn 24.800 cây đổ, tập trung nhiều ở các địa phương: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm. Đáng chú ý, có nhiều cổ thụ cả trăm năm tuổi, gắn với nhiều địa danh lịch sử cũng bị bật gốc, gãy đổ trong bão số 3, khiến nhiều người tiếc nuối.
Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), hàng trăm cây lớn nhỏ gãy đổ. Cây đa do chính tay Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng vào năm Canh Tý 1960 khi kêu gọi cả nước hưởng ứng phong trào Tết trồng cây đã bị gãy ngang thân, một số cành gãy do ảnh hưởng của mưa bão. Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất cho biết, Cây đa Bác Hồ bị lệch tán, gãy ngang thân. Thời gian tới, công ty sẽ đưa ra phương án tối ưu để khôi phục cây đa, thời gian để cây tròn tán như cũ sẽ mất vài năm.
Cây gãy đổ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Duy Phạm
Theo thống kê, trong Công viên Thống Nhất có 116 cây đổ, bên ngoài có 26 cây đổ, một số tường rào, bồn hoa bị hỏng cần sửa chữa. “Thời điểm này, toàn bộ nhân viên Công ty đang tăng cường hỗ trợ xử lý cây đổ trên các tuyến đường, ưu tiên giao thông. Sau đó, chúng tôi sẽ tiếp tục thống kê và xử lý cây đổ trong công viên”, đại diện Công ty chia sẻ.
Tại Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình), đơn vị quản lý cho biết, có 34 cây đổ, toàn bộ cây hoa các bồn bị dập nát. Chuồng nuôi nhốt thú có chuồng cầy và chuồng hà mã bị hư hỏng do cây đổ đè vào, may mắn thú đã được di chuyển an toàn. Công ty đã cho công nhân giải tỏa các cây xanh bị đổ tại các cổng, trục đường giao thông và khu chuồng thú, dự kiến giải tỏa xong trong ngày 9/9; sửa chữa chuồng trại, điện chiếu sáng, tường rào trong khoảng 10 ngày.
Cây đa nhiều năm tuổi ở Vườn hoa Lý Thái Tổ bị gãy đôi sau bão. Ảnh: Dương Triều
Theo ghi nhận của phóng viên, trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là những tuyến đường có hàng cây lâu năm, nhiều bóng mát nổi tiếng như Thanh Niên, Phan Đình Phùng… nhiều cổ thụ bật gốc, gãy đổ.
Trên đường Thanh Niên, một cây si bật gốc với bộ rễ rộng khoảng 4 mét. Trên đường Hoàng Diệu, một cổ thụ bật gốc, đổ ngang đường. "Tôi thấy rất tiếc nuối khi chứng kiến cảnh này. Không nghĩ nhiều cây đổ như thế, đặc biệt những cây cổ thụ trên đường Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng... những hàng cây tạo nên vẻ đẹp của cả con đường", chị Huyền Trang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.
Cổ thụ gần Nhà thờ lớn Hà Nội bị đổ, gây nhiều nuối tiếc. Ảnh: Đức Nguyễn
Tại phố Nhà Thờ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi có Nhà thờ lớn Hà Nội, ba cây lớn ngã chắn ngang đường trong cơn bão số 3. "Thật sự rất tiếc! Từng có rất nhiều người chụp ảnh với cây ở Nhà Thờ Lớn. Nhìn cảnh cây đổ, tôi rất buồn", anh Lê Mạnh chia sẻ với phóng viên. Tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, cây đa nhiều năm tuổi vốn quen thuộc với nhiều người cũng bị gãy làm đôi. Cây si to lớn ở biệt thự 49 Trần Hưng Đạo cũng bật gốc, khiến nhiều người tiếc nuối.
Về công tác giải tỏa cây xanh gãy đổ sau bão số 3, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, các đơn vị huy động 100% lực lượng, phương tiện thực hiện giải tỏa cây gãy đổ do bão số 3 với khoảng 570 người, 80 xe máy các loại, 100 cưa máy, 100 cưa tay. Đến chiều ngày 8/9, các đơn vị duy trì cây xanh đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện ra hiện trường để giải tỏa, thu dọn đảm bảo giao thông được trên 970 cây đổ, giải tỏa hơn 800 cành gãy.
Liên quan đến công tác khắc phục tình trạng cây gãy, đổ do bão, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài chỉ đạo: Cây nào cứu được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc, bần cùng bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ; vì trồng được một cây không dễ và mất rất nhiều thời gian.
Cùng về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo: Đối với các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm có giá trị bị nghiêng, đổ, cần kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay, bảo đảm cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển (nếu có thể) hoặc thực hiện di chuyển về vườn ươm để chăm sóc và trồng vào các vị trí phù hợp trên địa bàn thành phố, hoàn thành trước ngày 15/9/2024.
Đối với các cây xanh đô thị có đường kính nhỏ dưới 25cm bị gãy, đổ, cần thực hiện cắt cành, tán bảo đảm cân đối, phù hợp để trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định (đối với những cây xanh đổ ra lòng đường, sau khi cắt tỉa, cần di chuyển lên hè phố, các dải phân cách để bảo đảm an toàn giao thông nếu chưa kịp trồng lại, hoàn thành việc trồng lại các cây xanh nêu trên trước ngày 20/9/2024).
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp cùng Sở Xây dựng và các đơn vị được giao quản lý, duy trì cây xanh để thống nhất vị trí đào vỉa hè trồng lại và trồng thay thế, bổ sung cây xanh trên vỉa hè do UBND các quận, huyện, thị xã quản lý để bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, cảnh quan, mỹ quan đô thị; thời gian thống nhất vị trí trồng cây trước ngày 30/9/2024.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch trồng lại, trồng bổ sung cây xanh đô thị bị gãy, đổ không thể khắc phục, đảm bảo chủng loại, kích thước phù hợp, bảo đảm kỹ thuật và chất lượng trồng, chăm sóc. Ông Trần Sỹ Thanh lưu ý hệ thống cột chống phải chắc chắn để bảo đảm an toàn khi có gió, bão xảy ra và không ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây xanh.
Đáng chú ý, khi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh lưu ý, có những cây xanh hàng trăm tuổi bị hư hại do bão, cần cố gắng giữ, trồng lại.
Cổ thụ gắn bó với biệt thự 49 Trần Hưng Đạo bật gốc sau bão. Ảnh: Xuân Tùng
Phân tích trên báo chí về việc hàng loạt cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội bị đổ do bão số 3, ông Đào Xuân Học – nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, vấn đề là do chủng loại cây đô thị không phù hợp, kỹ thuật trồng cây cũng cần phải khắc phục. “Gió bão gây đổ cây là không tránh khỏi, vì ngay cả ô tô còn bị thổi bay. Tuy nhiên, nếu trồng cây to, lúc đầu nhìn thì đẹp nhưng rễ không ăn sâu được xuống lòng đất, cây dễ bị sâu bệnh và gãy đổ”, ông Học nói.
Theo ông Học, thành phố Hà Nội nên trồng cây bé, sinh trưởng khỏe, sẽ không bị gãy đổ trong mùa mưa bão. Nếu trồng cây nhỏ theo phương pháp đào hố sâu khoảng 1m, rồi lấp đất dần theo sự sinh trưởng của cây, xung quanh dùng cọc chống đỡ cẩn thận thì không bao giờ bị đổ vào mùa mưa bão. “Những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều giải pháp khắc phục trong việc trồng cây đô thị. Nhưng mỗi mùa mưa bão vẫn lộ ra những bất cập cần phải khắc phục”, ông Học cho hay.
Dọn dẹp cây đổ sau bão. Ảnh: Dương Triều
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong quanh vấn đề cứu cây xanh gãy đổ sau bão, một chuyên gia về cây xanh thành phố Hà Nội cho biết, với những cây xanh có đường kính nhỏ dưới 25cm bị gãy đổ, việc cắt cành, di chuyển về vườn ươm trồng lại có khả năng thực hiện được, tỷ lệ sống cao hơn, do vẫn còn là cây trẻ, bộ rễ chưa phát triển hết. Tuy nhiên, với các cổ thụ, cây có đường kính lớn, việc trồng lại, theo vị này là rất khó vì cây đã sinh trưởng nhiều năm, bộ rễ ít có khả năng tái tạo. "Đặc biệt với các cổ thụ trăm tuổi, việc trồng lại càng khó khăn hơn, tỷ lệ sống không cao, trong khi cần rất nhiều thời gian, công sức", vị này chia sẻ
Vị này cho biết, với chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ nghiên cứu cụ thể, với các cây có khả năng cứu được sẽ đưa về vườn ươm, chờ bộ rễ phát triển trở lại, khi đó có thể trồng lại ở các vị trí thích hợp.
Dọn dẹp cây đổ sau bão ở Hà Nội.
Đà Nẵng là một trong những địa phương ở miền Trung năm nào cũng hứng chịu bão. Với địa hình đặc thù giáp biển, ven sông, nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng khi bão đến không tránh khỏi tình trạng cây ngã đổ. Vậy thành phố xử lý cây xanh đô thị trước và sau bão ra sao?
Từ cuối tháng 7, Đà Nẵng đã có kế hoạch ứng phó và khắc phục bão đối với cây xanh đô thị trên địa bàn nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra đối với hệ thống cây xanh, đặc biệt là cây xanh công cộng. Thành phố cắt tỉa trước đối với cây xanh tại các tuyến đường vùng ven và thưa dân cư vào thời điểm thích hợp nhằm đảm bảo kịp thời tiến độ trước mùa mưa bão. Khi thời tiết chuyển dần sang mùa mưa, tập trung cắt tỉa cây xanh các tuyến đường trung tâm, khu vực đông dân cư.
Đặc biệt, ưu tiên cắt tỉa các tuyến đường xung yếu, khu vực trống trải ven sông, ven biển và các tuyến đường có hạ tầng ngầm không ổn định. Khi có tin dự báo thời tiết cực đoan, áp thấp nhiệt đới, tin bão gần trên biển Đông, các đơn vị chức năng sẽ tập trung cắt tỉa và khắc phục cây xanh cho các tuyến phố trung tâm, đông dân cư, các khu vực trường học và bệnh viện.
Thành phố cũng phân chia từng loại cây với từng đặc tính riêng biệt để tiến hành cắt tỉa. Cụ thể, cắt tỉa mạnh (không quá 35% diện tích tán lá) đối với các loài cây dễ gãy đổ như phượng vĩ, muồng tím, lim xẹt, xà cừ, bàng ta... ; các loài cây còn lại có thể cắt tỉa ít hơn (không quá 25% diện tích tán lá).
Đối với những cây mới trồng, cây bị nghiêng, cây có dấu hiệu lỏng gốc sẽ gia cố, chống dựng.
Khi cơn bão đi qua, thành phố sẽ thống kê, tổng hợp tình hình thiệt hại, bảo vệ, chống mất cắp cây xanh bị ngã đổ. Ưu tiên xử lý nhanh các cây xanh ngã đổ ra đường để đảm bảo thông đường, các cây xanh ảnh hưởng đường dây điện, hệ thống cấp nước.
Công nhân sẽ cắt tỉa cành nhánh cây xanh để hạn chế mất nước cho cây. Đặc biệt, cây xanh có đường kính nhỏ hơn 20 cm, bị ngã đổ nhưng còn rễ chính, rễ phụ và bầu rễ vẫn đảm bảo khả năng sinh trưởng của cây xanh sẽ được chống dựng, trồng lại. Sau đó tưới đẫm nước, chống dựng cây xanh để hạn chế cây bị khô héo do thiếu nước, động rễ.
Sau nhiều lần hứng chịu bão và có kinh nghiệm, Đà Nẵng lưu ý những cây xanh trốc gốc có đường kính nhỏ hơn 20cm bị ngã ra đường nhưng vẫn còn khả năng phục hồi thì cắt cành nhánh duy trì độ cao từ 2,5m và chuyển dọc theo vỉa hè, dải phân cách để chống dựng tận dụng lại, tránh tình trạng cắt ngang thân ở vị trí thấp gây lãng phí tài sản cây xanh.
Đối với những cây bị nghiêng nặng hoặc cây ngã đổ có kích thước lớn, cây thuộc nhóm có giá trị, cần bảo tồn sẽ được trồng tận dụng tại khu vực công trình có không gian lớn để thuận lợi cho công tác chăm sóc, bảo vệ.
Ngày 9/9, ông Đặng Ngọc Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh TP. Huế, cho biết, lực lượng thuộc đơn vị với quân số 15 người gồm cán bộ, nhân viên giàu kinh nghiệm vừa xuất quân lên đường ra Hà Nội hỗ trợ địa phương này ứng cứu cây xanh, góp phần khắc phục hậu quả bão số 3.
Cùng với lực lượng, phương tiện máy móc, trung tâm còn điều động thêm 2 xe cẩu chuyên dụng đến Hà Nội để hỗ trợ giải tỏa cây xanh đổ ngã, ứng cứu phục hồi cây cối.
“Từ kinh nghiệm của Huế, chúng tôi sẽ tập trung xử lý những cây xanh bị gãy đổ gây nguy hiểm đổ ra đường phố, đổ đè lên nhà cửa, công trình kiến trúc, tài sản, xe cộ… nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Sẽ có nhiều bộ phận được tổ chức để vừa cắt dọn giải tỏa cây xanh gãy đổ, vừa cắt tỉa những cây còn ứng cứu được để trồng lại. Phải làm kịp thời, nhanh để cứu cây xanh”, ông Đặng Ngọc Quý chia sẻ.
Vị này còn cho biết, lực lượng chi viện thuộc đơn vị đã liên hệ với đơn vị chức năng liên quan ở Hà Nội và Hiệp hội Cây xanh Việt Nam để khi vừa có mặt tại đây là bắt tay ngay vào dọn dẹp cây xanh, thông suốt phố xá do cây đổ ngã gây nên và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của bão số 3.
Lực lượng thuộc Trung tâm Công viên Cây xanh TP. Huế dự kiến sẽ hỗ trợ người dân Hà Nội trong khoảng thời gian nửa tháng. Toàn bộ chi phí đi lại, hậu cần trong chuyến đi này do Trung tâm Công viên cây xanh TP. Huế chi trả.
Trước đó, trong các cơn bão lớn xảy ra tại TP. Huế vào năm 2020, Trung tâm Công viên cây xanh TP. Huế đã thực hiện nhiều biện pháp để ứng cứu cây xanh đổ ngã do thiên tai, với số lượng thiệt hại lên đến 15.000 cây. Trong đó, ấn tượng nhất là việc ứng cứu cây xà cừ cổ thụ khoảng 120 năm tuổi trên đường Lê Duẩn (TP. Huế) bị cơn bão số 13 quật ngã trơ gốc.
“Lần đó, nhiều người nghĩ cụ cây này sẽ không qua khỏi, định cắt lấy mẫu vật để đưa vào bảo tàng. Nhưng sau đó, chúng tôi quyết định di dời cây xà cừ cổ thụ từ ven đường Lê Duẩn vào công viên để trồng lại, làm mái che cho cây, bó kín thân cây bằng màn chuyên dụng, kích thích rễ và lá cây, tổ chức chăm sóc cây nhiều tháng trời. Sau đó, cây đã phục hồi, đến nay phát triển xanh tốt trở lại”, ông Quý cho biết.
Sau các trận thiên tai dồn dập 4 năm trước làm hàng chục nghìn cây cối đường phố, công viên bị đổ ngã, gãy lìa thân, cành, đến nay hệ thống cây xanh tại Huế đã được phục hồi trở lại.
Ông Quý chia sẻ, đơn vị áp dụng kinh nghiệm mỗi lần cây xanh đường phố, khu vực công cộng bị gãy đổ do mưa bão phải tập trung xử lý cây cối ở tình trạng nguy hiểm đè vào nhà dân, xe cộ, công trình kiến trúc nhằm bảo đảm an toàn đi lại, sinh hoạt.
Mặt khác, tập trung ứng cứu nhanh những cây còn khả năng phục hồi để nâng cao cơ hội sinh tồn. Đối với những cây già, mức độ thiệt hại nặng, đơn vị sẽ chặt hạ triệt để trồng dặm cây mới, nhằm tạo cân bằng cảnh quan, môi trường cho đô thị.
Trước mỗi mùa mưa bão, đơn vị tập trung cắt tỉa, mé cành cây xanh đối với những trục đường phố trọng yếu, với số lượng từ 4.000 đến 5.000 cây, để vừa bảo vệ cây cối, đồng thời bảo đảm an toàn đi lại, sinh hoạt của người dân.