Người dân gom thực phẩm, siêu thị khẩn cấp chuyển hàng từ Nam ra Bắc

Người dân gom thực phẩm, siêu thị khẩn cấp chuyển hàng từ Nam ra Bắc

Một số mặt hàng tăng giá

Vụ Thị trường trong nước cho biết, tính đến 12h ngày 11/9, theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hệ thống bán lẻ và các chợ, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn cơ bản được đảm bảo. Một số điểm bán trên địa bàn nằm trong khu vực ngập úng dẫn đến vận chuyển hàng hóa chậm hơn so với thông thường. Các mặt hàng rau, củ, quả ở nhiều vùng bị ngập khiến rau bị hỏng và khó khăn trong công tác thu hoạch, vận chuyển. Các siêu thị đã chủ động điều chuyển từ nguồn hàng các tỉnh phía Nam ra để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân.

Tại Quảng Ninh, một số mặt hàng như rau xanh, thịt có mức tăng từ 10-15% so với thời điểm trước bão. Tại Hải Phòng, tại các chợ, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ quả nguồn cung dồi dào, nhu cầu mua sắm không có biến động nhiều, tăng 5-10% so với ngày thường. Tại các siêu thị, nguồn cung hàng hóa đã tăng 80-100%.

Người dân xếp hàng dài chờ thanh toán tại siêu thị.

Do tâm lý lo ngại mưa lũ, sạt lở tại các tỉnh phía Bắc kéo dài, khách hàng vào mua sắm tại các siêu thị tăng đột biến, tăng từ 150-170% so với ngày thường. Người dân xếp hàng dài mua nhu yếu phẩm như thịt, cá, rau xanh, các loại đồ ăn sẵn, bánh mỳ, lương khô, sữa, nước, giá cả hàng hóa tại các siêu thị vẫn ổn định so với ngày thường. Lượng hàng bán ra tăng mạnh từ 50-80% so với ngày thường.

Tại Yên Bái, hàng hóa cơ bản vẫn đáp ứng nhu cầu nhưng giá rau xanh tăng 15-20%. Do ngập sâu cục bộ tại TP. Yên Bái, công tác chuyển hàng hóa đi các huyện gặp khó khăn.

“Tại các chợ truyền thống, giá một số loại rau, củ, thịt lợn, mỳ có tăng nhưng nguồn cung được bổ sung thường xuyên nên không có hiện tượng thiếu hàng tăng giá đột biến”, Vụ Thị trường trong nước cho biết và khuyến cáo người dân bình tĩnh, dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão gây ra.

Rau xanh ở nhiều chợ cóc tăng gấp đôi so với bình thường.

Ghi nhận thực tế của PV Tiền Phong, nhiều siêu thị ở khu vực Hà Nội đã nhanh chóng bị vét sạch rau xanh, thịt, thực phẩm cùng nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Trong khi giá nhiều mặt hàng rau xanh, củ quả tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Đầu giờ chiều 11/9, tại chợ cóc trên đường Thọ Lão, giá bí đỏ khoảng 25.000 đồng/kg; bí xanh 30.000 - 35.000 đồng/kg, rau muống từ 20.000 - 25.000 đồng/mớ, rau ngót 20.000 đồng/mớ… Giá các loại thịt, cá vẫn giữ ổn định.

Siêu thị gồng mình cung ứng hàng

Về cung ứng hàng hoá cho các siêu thị, đại diện doanh nghiệp phân phối lớn Saigon Coop, BRG mart, WinCommerce, Central Retail, Mega Market, Aeon mart...cho biết vẫn đang liên tục điều phối hàng cung cấp đủ cho người dân ở các địa phương dù gặp rất nhiều khó khăn trong vận chuyển.

Người dân chen nhau xếp hàng mua bánh mì tại MM MegaMega Hồng Bàng - Hải Phòng.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, bà Trần Thu Quỳnh - Giám đốc Thu mua Khu vực miền Bắc và miền Trung (AEON Việt Nam) - cho biết, các trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON khu vực phía Bắc ghi nhận khách hàng tập trung mua chủ yếu rau củ quả, cá thịt, mì tôm, gạo…

“Sức mua ở các nhóm hàng rau xanh, nước và đồ ăn sẵn tăng khoảng 50%, còn các mặt hàng thịt cá tươi sống tăng khoảng 30% so với ngày thường do khách hàng có xu hướng tích trữ sẵn hàng hóa”, bà Quỳnh cho hay.

Theo bà Quỳnh, bão số 3 đã gây những ảnh hưởng cục bộ đối với các nhà cung cấp, đặc biệt đối với hàng tươi sống như các mặt hàng rau củ quả. Mưa lớn làm cho cây trồng hoa màu bị dập nát và úng ngập nước. Với các mặt hàng đánh bắt ngoài biển, do biển động nên có ảnh hưởng gây khó khăn tới việc đánh bắt xa bờ.

“AEON Việt Nam vẫn liên tục làm việc với nhà cung cấp, vận chuyển rau củ, quả từ Đà Lạt ra miền Bắc với số lượng tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân. Khách hàng có thể yên tâm mua đủ theo nhu cầu sử dụng, không cần tích trữ, mua gom hàng hóa”, bà Quỳnh thông tin.

Thịt và thực phẩm được bổ sung liên tục để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đại diện hệ thống WinMart/WinMart+/WiN cho biết, hệ thống bán lẻ này cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn do cũng chịu thiệt hại cơ sở vật chất và hàng hóa.

Theo thống kê sơ bộ đến chiều tối 10/9, có khoảng 600 cửa hàng tại miền Bắc của WinMart/WinMart+/WiN bị thiệt hại, nặng nhất là hư hỏng hàng hóa do ngập nước, cúp điện kéo dài; 4 nông trại WinEco tại miền Bắc cũng bị thiệt hại nặng nề do bão. Hoạt động vận chuyển hàng hóa từ kho hàng Supra đến các siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+/WiN đang gặp trở ngại do tình trạng ngập lụt và sạt lở tại các tỉnh miền Bắc. Tuy nhiên việc cung ứng hàng hoá vẫn được đảm bảo.

Đại diện chuỗi siêu thị MM Mega Market cho biết, các siêu thị ở các trung tâm khu vực miền Bắc ghi nhận nhu cầu về các mặt hàng đồ khô như dầu ăn, bột mì, mì gói, đồ hộp, các loại đồ khô, nước ngọt và bánh mì tăng trên 50%, có lúc lên đến 80%. Pin, đèn pin, bếp cồn, cồn khô, bánh mì tươi sản xuất tại chỗ cũng là những mặt hàng được người dân mua nhiều.

“Chúng tôi đang tăng cường nhân sự cho các kho miền Bắc để ổn định việc cung ứng vận chuyển hàng, đảm bảo quầy bánh tươi luôn đủ cho khách mua trữ hoặc ăn liền không cần chế biến”, đại diện MM Mega Market cho hay.

Cũng theo vị đại diện, hiện một số nhà cung cấp cho siêu thị đang gặp khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, hàng hóa hư hỏng do mưa lũ. MM đang thu mua tối đa theo khả năng cung ứng của nhà cung cấp và tăng cường lấy hàng từ Kho trữ hàng trung tâm tại Bình Dương. MM Mega Market đã tăng gấp 3 chuyến xe vận chuyển rau củ quả từ trạm cung ứng tại Lâm Đồng ra các tỉnh phía Bắc, dự kiến lên đến 7 chuyến xe/ tuần với tổng cộng hơn 40 tấn rau củ quả.